5 đúc kết để trở thành nhà môi giới chuyên nghiệp

Các bạn hỏi tôi về cái khó khăn, về cái sung sướng khi làm nghề môi giới Bất Động Sản. Và các bạn đưa ra nhiều quan điểm của mình, chủ quan, hồ hởi tháng kiếm trăm chai cũng có mà ý kiến tiêu cực, nói lên cái khắc nghiệt, chịu nhiều hàm oan khi làm nghề cũng có. Thật là trái ngang cuộc đời,

Để tôi nói cho nghe, tôi đã trải qua đủ cái cảm giác đó luôn rồi!

Và chỉ vì mấy bạn hỏi tôi nhiều quá, tôi quáng, tôi luống cuống và tôi cũng nghệch ra y như nỗi đau đáu của các bạn luôn. Nhưng mà tính tôi hông thể buồn lâu được!

Nên tôi về, tôi viết về chia sẻ này dành cho các bạn, làm cách nào để trở thành người môi giới chuyên nghiệp, mà đã chuyên nghiệp thì sợ quái gì mấy cái suy nghĩ tiêu cực bên trên nữa.

Hơn hết , quan trọng là nếu bạn yêu nghề – nghề sẽ yêu bạn! Thật đó.

Muôn nẻo tình duyên kéo bạn vào nghề môi giới Bất Động Sản

Để nói về lý do tại sao người ta đi làm nhân viên môi giới bất động sản, thì nhiều lắm. Đủ thứ lý lẽ được vẽ ra, cao xa có, vĩ đại có mà bình dị đầy chân thật cũng có. Nhưng chung quy, ai đến với nghề cũng vì cái thu nhập đáng mơ ước mà nghề mang lại.

Cái mong ước thoát nghèo của lứa tuổi thanh niên nó lớn lắm, vừa mới ra trường, xin việc khó khăn và hầu như phải tất bật miếng cơm manh áo, tiền phòng, tiền xe thì công việc đàng hoàng để kiếm tiền nhanh nhất, dễ nhìn thấy nhất thì chỉ có bất động sản.

 

Và trong 4 năm tôi làm nghề, tôi gặp rất nhiều anh/chị em môi giới. Họ kể cho tôi nghe về công việc ngày xưa, rồi tại sao lại chuyển qua làm môi giới và hiện tại, họ có hạnh phúc với công việc hay không. Từ đó để mà đúc kết ra tại sao người ta đi làm môi giới bất động sản, nó nhiều quá trời quá đất!

Thí dụ như có cô em đang học thêm tiếng nước ngoài để xin việc, tranh thủ lúc chưa có việc làm xin đi làm làm môi giới để kiếm thêm thu nhập.

Có anh chàng nuôi mộng ước bán hàng online, nhưng thiếu kinh phí nên cũng chọn đi làm môi giới bất động sản để trang trải.

Có chị gái thích cờ thích bạc, banh bóng Uông Cúp quá đà (World Cup). Bỏ ngang nghề kế toán, dấn thân làm môi giới để đủ tiền mà tiêu pha.

Cũng có ông anh, đương làm cán bộ cấp thôn, xã. Thấy bọn trẻ từ Sì Gòn về quê, đứa nào đứa nấy tiền nhét phồng cả 2 bên mông, mặt mũi sáng ngời ngợi, xe hơi thắng cái kít ngọt lịm! Móc phone ra toàn màn hình phẳng lấm ló ½ trái táo. Nói chuyện là nhiêu tỷ anh, tài chính anh nhiêu tỷ? 3 tỷ hả anh, ây chà, 3 tỷ mua chỗ này hơi khó, để em tìm xem, chờ tin em nhé!

Ông anh trưởng thôn nghe lấy làm choáng váng, trằn trọc. Rồi quyết định từ bỏ chức sắc, ôm vợ ôm con giã từ rồi khoát ba lô lên đường làm giàu bằng bất động sản.

Tuy các trường hợp trên là nói vui, nhưng nó mô tả đúng cho cái điều tôi muốn nói: “Nhà nhà làm bất động sản, người người làm bất động sản”. Ai cũng vậy, ai cũng tìm đến bất động sản như một con đường làm giàu nhanh chóng.

Tôi cũng như bạn, bạn cũng như tôi – có khác nhau cái chi đâu! Đúng hông.

Nhưng có phải môi giới Bất Động Sản là câu chuyện màu hồng?

Những ngày đầu tẽn tò, vuốt mũi nhảy vào nghề – với cái khao khát làm giàu, để ngẩng cao đầu khi ai đó hỏi, “Lương nhiêu tháng cưng?” Khỏi phải nói, lúc đó tôi phấn khích như thế nào. Phấn khích bao nhiêu, thì khi vào nghề cảm xúc nó tuột luốt bất nhiêu!

Ba tháng không có giao dịch, ba tháng mà tôi gần như kiệt quệ tất cả, ý chí lẫn tiền tiêu xài hằng ngày. Tôi đuối, tôi muốn bỏ cuộc – tôi muốn quay lại, tôi hối hận tại sao lại làm môi giới bất động sản.

Nhưng cái thằng như tôi tánh nó kỳ, có lúc đứng trước cái dự án trụi lơ nắng cháy da đầu. Đưa tay lên trời, ống tay áo ướp nhẹp mồ hôi chảy thuồng luồng xuống tới rún. Thì thào: “Có muốn nghỉ, cũng phải bán được thì mới nghỉ”. Thằng đồng nghiệp trực chung hôm ấy, nhìn tôi nheo mày: “Nay lại nhịn cơm trưa, mệt quá rồi nói sảng hả mậy?”.

Tôi chả nói. Hổng lẻ nói do tôi sĩ diện, không muốn người ta xem thường mình không làm được nên quyết tâm thế. Nhưng cho tới khi bán được, là hơn 5 tháng từ lúc bắt đầu làm. Thời điểm đó cũng là lúc mở bán dự án.

Hơn 5 tháng là cũng gần như là nửa năm chứ ít ỏi gì đâu, nửa năm bỏ ra để bước đầu chiến thắng được mình!

Lúc tuyển dụng, chị phó giám đốc bảo tôi. Em hãy nghĩ đơn giản, bán Bất Động Sản cũng như kinh doanh vậy thôi. Thu nhập cao, thời gian làm việc thoải mái nhưng chỉ việc bỏ sức, không phải bỏ quá nhiều vốn như tự kinh doanh. Và tôi đã tin tuyệt đối vào điều đó!

Nhưng tôi biết, không phải ai cũng “lỳ đòn”, gần như là chai mặt như vậy – dĩ nhiên, cũng có người lỳ hơn cả tôi, chứ tôi hông có làm cao bản thân đâu! – Có người phải bỏ nghề sau 1 tuần, 1 tháng, 3 tháng, có người lâu hơn, 6 tháng – 1 năm, 2 năm. Lý do bỏ nghề cũng đa dạng không kém cái lý do vào nghề chút nào:

  • Bán không được => nghỉ.
  • Cực khổ quá => nghỉ.
  • Nói chuyện vô duyên quá, khách chửi quài. Tức quá chửi lại nghề => nghỉ.
  • Bán được quá nhiều => nghỉ.
  • Kiếm đủ tiền với mục đích ban đầu => nghỉ.

Thể nào đọc tới đây, cũng có bạn lơ ngơ. Ơ, bán được quá nhiều cũng phải nghỉ ư?

Có chứ, một người anh từng kể tôi nghe đúng như vậy đấy.

Anh A làm ở một sàn có quy mô lớn ở Sài Gòn, nhân viên cực kỳ đông và thời điểm anh vô làm cũng là thời điểm mở bán một dự án mới. Anh may mắn gặp được người khách hàng đầu tư và doanh số bán hàng tháng đầu tiên của anh đứng đầu sàn. Mọi người bỡ ngỡ, anh cũng bỡ ngỡ khi nhận danh hiệu best-seller lần ấy, anh trở nên nổi tiếng vì trường hợp của anh quá hiếm hoi, hầu như là 0.001%.

Anh A vui lắm, hãnh diện lắm!

Cho đến khi những dự án sau đó, anh không bán được nữa. Anh bị áp lực, dù đã cố gắng làm mọi cách.

Khách cũ muốn ra hàng, công ty ép doanh số dự án mới. Anh bất lực, anh hao gầy và sau nhiều đêm vò đầu bứt tóc, anh quyết định xin nghỉ và chuyển công việc khác.

Bởi vậy, Bất Động Sản đâu phải là câu chuyện chỉ có màu hồng!

Vậy phải làm sao để nghề Bất Động Sản trở thành màu hồng?

Cách để biến nghề môi giới bất động sản thành màu hồng, chỉ có bạn mới quyết định được. Nhưng nếu có làm, hãy làm từ điều đơn giản nhất. Đó là hãy bắt đầu bằng cách làm đúng nhiệm vụ mà mình được tuyển chọn, là sale bán dự án!

Học thuộc thông tin dự án bạn đang bán

Đặc điểm cơ bản nhất của nghề môi giới Bất Động Sản, là thông tin được đầy đủ dự án đến khách hàng đang có nhu cầu. Hãy học thật kỹ các thông tin quan trọng của dự án, các thông tin quan trọng bao gồm:

  • Số căn/lô của dự án.
  • Bao nhiêu căn/lô trên một dãy/sàn.
  • Có bao nhiêu hướng, hướng nào đẹp, hướng nào đặc biệt. Ví dụ: view sông, view công viên, view về trung tâm Sài Gòn,…
  • Vị trí của dự án, khoảng cách di chuyển ra sao? Xung quanh dự án trong bán kính 3km có gì không. Ví dụ: siêu thị, nhà hàng, phòng khám, trường học, bệnh viện,sân tennis,…
  • Tự xách xe, di chuyển từ dự án vào trung tâm để cảm nhận. Biết được khung giờ nào để hẹn khách hàng, không làm mất thời gian của khách hàng với các trường hợp như hẹn khách vào giờ cao điểm.
  • Các ngân hàng hỗ trợ vay vốn khi khách hàng có nhu cầu, vay tối đa là bao nhiêu?
  • Tính pháp lý của dự án, quy mô dự án, quy hoạch cụ thể, …
  • Nắm được tình hình rổ hàng, giá bán ban đầu (nếu dự án đã bán qua đợt 2, 3).

Xem thật kỹ mặt bằng, rồi xem thật kỹ vị trí và cố gắng tìm ra điều khác biệt. Hãy tin rằng, một dự án luôn có dòng khách hàng của riêng nó!

Và trao dồi thật nhiều kinh nghiệm bằng cách salephone thật nhiều vô, lúc đầu có thể sẽ bị ăn chửi xối xả. Nhưng đó chính là điều rèn dũa vấn đề giao tiếp nhanh nhất mà bạn không phải dấn thân vào môi trường đa cấp để học hỏi (tôi đùa thôi!).

*Có cái này, các bạn mới vào nghề nên lưu ý: tránh giao tiếp với mấy anh/chị lúc nào cũng có tâm tư ũ rũ, ngồi cứ thẩn thờ và than thở hết dự án này đến dự án khác. Tìm mấy anh/chị năng động mà hỏi, tránh làm bản thân mình bị ảnh hưởng bởi cảm xúc tiêu cực nghen.

Tìm hiểu thị trường lân cận

Nếu đã thuộc hết toàn bộ dự án bạn đang bán, thì bước này có lẽ sẽ dễ dàng hơn rất nhiều. Chúng ta sẽ bắt đầu trở nên chuyên nghiệp hơn tí, bằng cách nào?

Bằng cách đi giao lưu với sale, đi xem các dự án cùng phân khúc. Rồi đúc kết, so sánh điểm hơn thua ở mỗi dự án ra sao?

Và lúc này thì bạn phần nào, đã có thể trả lời đa số các câu hỏi của khách hàng rồi đây!

Hãy tưởng tượng, nếu bạn đang bán đất nền và khách hàng hỏi bạn:”Tình hình đất nền dạo này sao em, bây giờ có nên mua đất nền hay không?”. Và câu trả lời của bạn ra sao, chính là điều mà khách hàng sẽ suy nghĩ về bạn.

Khách hàng bây giờ họ biết nhiều lắm, đôi khi kiến thức của họ còn hơn bạn rất nhiều lần và điều họ hỏi, chỉ để khẳng định lại, là người họ đang làm việc có thật sự chuyên nghiệp hay không thôi!

Vậy để làm sao để nắm bắt thông tin thị trường?

1/Giao lưu với các môi giới khác

Như đã nói ở trên, kết thân và mở rộng mối quan hệ. Đây là cách cơ bản nhất để nắm thêm thông tin về thị trường, cũng như các cơ hội hợp tác làm việc sau này.

2/Đi tham dự các hội thảo về thị trường, tìm đọc báo cáo thị trường theo tháng, quý

Đây là cách thứ 2 để bạn học hỏi thêm kiến thức thị trường, đa phần các kiến thức tổng hợp này đều là những thông tin quan trọng và được truyền đạt từ những nổi tiếng trong nghề.

Bạn cũng cần phải phân loại thông tin ra, nếu không bạn sẽ rất dễ bị bội thực thông tin. Ví dụ: các thông tin thị trường từng khu vực, phân khúc từ đất nền – nhà phố/ biệt thự – căn hộ (căn hộ giá rẻ, tầm trung, cao cấp),… Tỉ lệ cho thuê, giá trị giá gia tăng ra sao?

Và từ đây, bạn sẽ dễ dàng trả lời câu hỏi trên kia mà khách hàng hỏi bạn. Có nên mua trong thời điểm này hay không? Hoặc phân khúc nào sẽ an toàn hơn vào lúc này, khu vực nào anh/chị nên lưu tâm,…

3/Đặt Google Alert

Cách này cũng là cách mà tôi hay áp dụng, vào trình duyệt gõ Google Alert. Sau đó nhập những thông tin mà bạn muốn theo dõi hằng ngày.

Ví dụ: bạn bán căn hộ Sapphira Khang Điền đang chuẩn bị triển khai tại Quận 9 và bạn muốn nắm thông tin thị trường căn hộ quận 9. Vậy thì hãy nhập vào Google Alert như sau: căn hộ quận 9, căn hộ Khang Điền, căn hộ Sapphira chẳng hạn. Hoặc các thị trường lân cận nữa, như căn hộ quận 2 cũng là một gợi ý.

Hoặc bạn đang làm thị trường căn hộ tại khu Nam, thì trong khoảng thời gian này đang có các dự án trọng điểm như Kenton Node, căn hộ Eco Green SaiGon. Các bạn có thể nhập vào Google Alert như: căn hộ Eco Green SaiGon, căn hộ Kenton Node, căn hộ quận 7, …

Và hằng ngày, Google sẽ gửi tin thị trường về cho bạn xem qua.

Tìm hiểu luật về đất đai

Tiếp theo nữa để từng bước thành nhà môi giới chuyên nghiệp, đó là hãy hiểu về luật nhà đất vì các yếu tố này ở nước ta vẫn chưa hoàn chỉnh toàn bộ, nên các luật luôn thay đổi và điều chỉnh để cho phù hợp.

Ví dụ như cuối năm 2017 vừa rồi, thành phố ra quy định số 60/2017/QĐ-UBND về tách thửa và ảnh hưởng quan trọng tới tính pháp lý các lô đất phân lô trên địa bàn. Thời điểm này, những lô thỏa mãn điều kiện pháp lý tốt bán rất chạy và nếu bạn không biết điều này, bạn sẽ không hiểu chính xác việc gì đang xảy ra.

Cũng trường hợp đó, như 2018 này là luật quy định với sàn môi giới, luật đặc khu, các quy định không cho chuyển nhượng tại các đặc khu chẳng hạn.

Biết ngoại ngữ là một lợi thế

Nếu bạn biết một ít tiếng Anh, tiếng Hàn hoặc tiếng Trung. Ok, đây là thời điểm lớn của bạn đấy!

Kinh tế mở cửa, dòng vốn FDI tăng mạnh. Thị trường 2018 đón nhận lượng lớn khách hàng người nước ngoài có nhu cầu nhà ở tại Việt Nam,  đa dạng từ nhu cầu công tác, sinh sống và mở văn phòng tại khu vực.

Và lúc này là thời điểm của bạn, mức cạnh tranh khách hàng với đồng nghiệp hầu như rất, rất chi là thấp nếu bạn biết ngoại ngữ!

Cũng đừng quên, họ cũng có 1 phân tích về các thị trường nên đầu tư tại Việt Nam gây sốt thời gian vừa rồi, được cả các báo điện tử lớn của Việt Nam dịch lại và đăng đàn. Điều đó chứng tỏ là dòng khách nước ngoài có nhu cầu đầu tư tại Việt Nam đang rất lớn. Anh, Mỹ, Trung, Hàn, Sing, Nhật có đủ cả!

Đạo đức nghề nghiệp là trên hết

Hãy đặt mình vào tình huống của khách hàng, hãy đồng cảm với khách hàng và bạn sẽ nhận thấy được lợi ích của điều đó. Đạo đức nghề nghiệp là 1 điều quan trọng và chắc hẳn ai cũng hiểu điều này, nên tôi không nói nhiều vì đạo đức của bạn đang nằm trong chính bạn, không phải nằm trong tôi.

Các kỹ năng cần thiết khác nếu là một môi giới bất động sản chuyên nghiệp

Ngoài những điều trên, quan trọng là bạn phải kiên trì – chí ít giống như câu chuyện của tôi ở trên đấy, “lỳ” lên, gan góc lên. Lạc quan nữa, hãy luôn giữ nụ cười trên môi, đừng đi gặp khách hàng với vẻ mặt ủ rủ, không ai thích nhìn thấy điều đó đâu.

Nếu có đầy đủ những điều trên, thì việc bạn trở thành nhà môi giới chuyên nghiệp chỉ là chuyện sớm chiều thôi! Và tôi cũng chúc các bạn lựa chọn nghề môi giới Bất Động Sản sẽ may mắn, kiên trì với lý tưởng mình đặt ra nhé.

Sunlandsg.n

Tham gia thảo luận

So sánh các bảng liệt kê

So sánh