Khu đô thị mới Bình Quới – Thanh Đa, tại phường 28, quận Bình Thạnh, có quy mô trên 400ha, là một trong những khu đô thị quy mô lớn nhất ở gần trung tâm TP.HCM. Rất nhiều kỳ vọng về một sự thay đổi bộ mặt đô thị thành phố trong hàng chục năm qua, ở dự án này đã không thành hiện thực. Cùng với đó là cảnh sống cơ cực của người dân trong khu quy hoạch treo.
Cách trung tâm thành phố chỉ khoảng 20 phút đi xe máy, hình ảnh bán đảo Thanh Đa đã hiện ra trước mắt. Một khung cảnh làng quê đất đai bạt ngàn, cây cối mọc um tùm, những ao tù, nhà cửa thưa thớt, tạm bợ, ruộng lúa, ao sen…
Giữa lòng TP.HCM, ít ai nghĩ lại có những khu dân cư tồi tàn, tương phản ở bên kia sông Sài Gòn, từng dãy nhà cao tầng hiện đại cứ nối tiếp nhau mọc lên.
Phương tiện kết nối duy nhất giữa Thanh Đa với các quận lân cận là những chuyến phà thô sơ.
Nằm ở quận Bình Thạnh, bán đảo Thanh Đa được đánh giá là khu “đất vàng” hiếm hoi tại khu vực trung tâm còn lại của TP.HCM. Dự án có quy mô lớn, được phê duyệt quy hoạch năm 1992 với tổng diện tích hơn 426 ha (toàn bộ địa bàn phường 28, quận Bình Thạnh), dân số khoảng 45.000 người.
Tuy nhiên, từ khi có chủ trương triển khai dự án đến nay, siêu dự án khu đô thị hiện đại chưa thấy đâu, chỉ biết rằng, đời sống của hơn 3.000 hộ dân ở đây bị ảnh hưởng do bị “treo” theo dự án này.
Năm 1992, Dự án Khu đô thị Bình Quới – Thanh Đa được UBND TP.HCM phê duyệt, đến năm 2004, dự án được giao cho Tổng công ty Xây dựng Sài Gòn đầu tư xây dựng. Tuy nhiên, do thiếu năng lực, nên đơn vị này không triển khai được. Đến năm 2010, chính quyền TP.HCM đã thu hồi quyết định.
Đến cuối năm 2015, liên danh Tập đoàn Bitexco và Emaar Properties PJSC (công ty trong lĩnh vực bất động sản ở Dubai, Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống Nhất) được UBND TP.HCM chỉ định là nhà đầu tư Dự án Khu đô thị Bình Quới – Thanh Đa với tổng vốn hơn 30.000 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự án trong 50 năm kể từ ngày ký kết hợp đồng. Song đến giữa năm 2017, TP.HCM thông báo, Công ty Emaar Properties PJSC xin rút khỏi dự án này.
Cuộc sống của người dân nơi đây nhọc nhằn và chật vật vì dính quy hoạch treo. Cái cơ cực, tạm bợ, đói nghèo đã đeo bám họ gần nửa đời người.
Nhà cửa xây dựng tạm bợ trong khu quy hoạch treo Bình Quới – Thanh Đa. Người dân cho biết họ không thể sửa chữa nhà dù đã dột nát do vướng quy hoạch.
Khu vực Bình Quới – Thanh Đa đất trũng, rất hay bị ngập nước khi mưa lớn hoặc triều cường dâng cao làm các công trình xây dựng rất mau xuống cấp.
Nói về dự án Khu đô thị Bình Quới – Thanh Đa, P.28 (Quận Bình Thạnh) bị “treo” gần 30 năm qua, trao đổi với báo chí bên lề Hội nghị Thành ủy lần thứ 18 ngày 16-10, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cũng từng khẳng định “người dân bức xúc là đúng”.
“Thành phố cũng rất mong muốn làm nhanh. Quan điểm của thành phố là xin chỉ định, nhưng Thủ tướng yêu cầu rà lại cơ sở pháp lý hết sức chặt chẽ, nếu không đủ cơ sở thì phải đấu thầu. Riêng về quy hoạch dự án Bình Quới Thanh Đa đã được Chính phủ duyệt, muốn thay đổi phải xin phép, không được tự động làm”, ông Phong cho biết.
Như vậy, sau 26 năm quy hoạch treo với nhiều lần thay đổi chủ đầu tư, dự án này đã quay lại vạch xuất phát tìm chủ đầu tư mới. Đến bao giờ thực trạng này mới đổi thay? Câu trả lời vẫn còn chờ vào phương án đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư mà UBND TP.HCM đang giao cho nhiều sở, ngành cùng tham gia xây dựng.
Những con đường làng nhỏ hẹp, lầy lội dẫn vào trong khu dân cư sâu bên trong Thanh Đa – Bình Quới.
Theo Sở Xây dựng TPHCM, việc giải quyết các vướng mắc về nhà, đất tại khu vực dự án Bình Quới – Thanh Đa (phường 28, quận Bình Thạnh) cần có giải pháp phù hợp với quy định của pháp luật về đất đai, xây dựng.
Bên cạnh đó cần phải đảm bảo hài hòa quyền và lợi ích hợp pháp của người dân bị ảnh hưởng bởi quy hoạch kéo dài.
Theo Trí thức trẻ