Bạn đã biết những loại hợp đồng giao dịch bất động sản bắt buộc phải công chứng?

Đối với người tham gia giao dịch mua bán nhà đất thì việc công chứng, chứng thực hợp đồng chuyển nhượng mua bán nhà ở là một phần tất yếu để đảm bảo về mặt pháp lý. Thực tế đã có khá nhiều trường hợp xảy ra tranh chấp kiện tụng trong giao dịch mua bán nhà ở khi không thực hiện công chứng. Mặt khác, với hầu hết người dân thì việc mua đất tậu nhà là việc hệ trọng trong đời nên không ai mong muốn rủi ro xảy ra, mất mát tiền của cũng như gặp những phiền hà, rắc rối. Bởi thế nên cần thiết có sự chứng thực của cơ quan nhà nước trên bản hợp đồng chuyển nhượng đất đai lẫn nhà ở để giúp cả người mua cũng như người bán yên tâm hơn khi giao dịch.

 

Tại sao phải công chứng các hợp đồng, giao dịch bất động sản?

Thực tế có nhiều trường hợp mua bán nhà đất chỉ qua giấy tờ viết tay, không công chứng, đến khi có tranh chấp xảy ra thì hợp đồng bị tòa án tuyên vô hiệu và người mua nhà có nguy cơ mất trắng cả nhà và tiền bạc. Trong khi đó, nếu hợp đồng được công chứng và chứng thực theo đúng quy định thì theo đó người mua không lo bị tranh chấp, hoặc nếu có cũng được pháp luật bảo vệ.

Về mặt pháp luật, những giao dịch về bất động sản được công chứng sẽ đảm bảo về hình thức theo quy định và qua đó cũng tạo điều kiện để các cơ quan có thẩm quyền thực hiện các bước tiếp theo. Theo Luật công chứng 2014, hợp đồng giao dịch được công chứng có hiệu lực thi hành với các bên liên quan, vậy nên trong trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ của mình thì bên kia có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp các bên tham gia hợp đồng, giao dịch có thỏa thuận khác.

Việc công chứng này không chỉ mang lại lợi ích về mặt pháp lý cho các bên mà thông qua đó còn bảo vệ và hạn chế được những ảnh hưởng, thiệt hại gây ra vì những hợp đồng giao dịch dân sự, thương mại luôn tiềm ẩn rất nhiều rủi ro.

Vai trò của công chứng

Đầu tiên, việc công chứng sẽ giúp đảm bảo tính hợp pháp của nội dung các giao dịch. Thực tế rất ít người hiểu biết rõ ràng các quy định pháp luật về quyền sử dụng đất. Khi công chứng, các công chứng viên sẽ tư vấn và giải thích giúp cho các bên tham gia giao dịch hiểu rõ hơn về quyền cùng nghĩa vụ của mình trong giao dịch về quyền sử dụng đất.

Tiếp đó, việc công chứng còn góp phần “cản trở” cũng như hạn chế cho các giao dịch “bất động sản ma” tức bất động sản không có thật xảy ra, góp phần loại bỏ đi các giao dịch có yếu tố lừa đảo, lừa dối và đặc biệt là trường hợp chuyển nhượng quyền sử dụng đất thừa kế theo di chúc.

Quan trọng nhất, việc công chứng sẽ góp phần nâng cao giá trị chứng minh hợp đồng khi có tranh chấp xảy ra bởi khi này các bên tham gia giao dịch phải đưa ra chứng cứ để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình mà nếu các giao dịch đó đã được công chứng thì tòa án sẽ dễ xem xét và chấp nhận hơn.

Những hợp đồng bắt buộc phải công chứng

Sau đây là các loại hợp đồng trong giao dịch bất động sản phổ biến bắt buộc phải công chứng:

  1. Hợp đồng mua bán nhà ở phải được lập thành văn bản có công chứng hoặc chứng thực. Trừ trường hợp mua bán, cho thuê mua nhà ở thuộc sở hữu nhà nước; mua bán, cho thuê nhà ở xã hội, nhà ở phục vụ tái định cư.
  2. Hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất phải được công chứng hoặc chứng thực, trừ trường hợp nếu một bên là tổ chức kinh doanh bất động sản.
  3. Hợp đồng cho tặng nhà ở hoặc bất động sản khác phải chuyển quyền sở hữu tài sản là bất động sản đó cho bên được tặng cho mà không yêu cầu đền bù, bên được tặng cho đồng ý nhận, phải lập thành văn bản và phải công chứng, chứng thực. Trừ trường hợp: tổ chức tặng cho nhà tình nghĩa, nhà tình thương.
  4. Hợp đồng thế chấp nhà ở.
  5. Hợp đồng đổi nhà ở là giao dịch về chuyển quyền sở hữu để được Nhà nước công nhận và sang tên sở hữu.
  6. Hợp đồng góp vốn bằng nhà ở trừ trường hợp góp vốn bằng nhà ở bởi một bên là tổ chức.
  7. Hợp đồng mua bán bất động sản đấu giá.
  8. Hợp đồng bảo lãnh.
  9. Hợp đồng thế chấp tài sản.
  10. Văn bản thừa kế nhà ở, quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất.

Vì hợp đồng được công chứng là hợp đồng đã được các công chứng viên xác nhận nên về mặt pháp lý sẽ an toàn hơn nhiều so với các hợp đồng không được công chứng. Lẽ đó các giao dịch cần phải thực hiện nghiêm túc theo quy định của pháp luật để nếu có xảy ra những tranh chấp hoặc kiện tụng trong quá trình thực hiện hợp đồng thì có căn cứ để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, tránh những thủ tục phiền hà, rắc rối khác.

Nguồn: intertnet

Tham gia thảo luận

So sánh các bảng liệt kê

So sánh