Bất động sản miền Bắc sóng dồn tỉnh lẻ, lộ diện loạt đại gia mới nổi

  • Admin Hayhomes bởi Admin Hayhomes
  • 6 năm trước
  • Tin tức
  • 0

Từ cuối năm 2016, đất nền tỉnh lẻ đã là điểm “nóng” đầu tư của thị trường BĐS phía Bắc. Cùng với xu hướng này, nhiều doanh nghiệp đã âm thầm thâu tóm quỹ đất trong nhiều năm và bất ngờ trở thành đại gia bất động sản khi bung ra hàng loạt dự án cùng một lúc.

Một trong những đại gia bất động sản phân khúc đất nền phía Bắc được nhắc đến nhiều nhất thời gian hiện nay có thể kể đến Tập đoàn Kosy. Được thành lập năm 2008, đến nay sau 8 năm phát triển, tập đoàn này có tới 10 đơn vị thành viên hoạt động trong các lĩnh vực bất động sản, xây dựng, năng lượng tái tạo và công nghệ thông tin.

Tiến vào lĩnh vực bất động sản, tập đoàn này có chiến lược đầu tư khá độc đáo “từ tỉnh lẻ tiến dần chinh phục thành phố lớn”. Hàng loạt các dự án bất động sản tại các tỉnh thành phía Bắc tập đoàn này đã và đang triển khai như Khu đô thị Kosy Mountain View (Lào Cai), Khu đô thị Kosy Sông Công, Khu đô thị Kosy Gia Sàng (Thái Nguyên), Khu đô thị Kosy Bắc Giang, khu dân cư thị trấn Cầu Gồ (Bắc Giang)…

Ngoài các dự án trên, tập đoàn này cũng đang chuẩn bị đầu tư thêm hơn 10 dự án khác ở các tỉnh, thành phố như Hà Nội, TP HCM, Nghệ An, Thanh Hóa, Hưng Yên, Ninh Bình, Phú Thọ và Vĩnh Phúc. Đáng chú ý, các dự án này đều nằm ở vị trí đẹp, gần trung tâm các tỉnh, thành phố. Theo tìm hiểu, các dự án bất động sản tại các tỉnh phía Bắc mà Kossy đang triển khai chủ yếu là các khu đô thị mới và sản phẩm là đất nền, liền kề, shophouse, biệt thự.

Có một điều đặc biệt, dù Kosy là “ông chủ” của loạt dự án với tổng mức đầu tư lên đến cả chục nghìn tỷ nhưng vốn chủ sở hữu của Tập đoàn Kosy lại khá mỏng. Vốn điều lệ ban đầu của Kosy là 120 tỷ đồng, sau 10 năm phát triển, đến nay vốn điều lệ của Kosy đạt 415 tỷ đồng. Theo báo cáo kết quả kinh doanh mới đây của Kosy lợi nhuận quý 3/2018 của doanh nghiệp này giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước từ 13,2 tỷ đồng xuống còn 5,416 tỷ đồng.

Ngoài Kossy, một trong những doanh nghiệp cũng được nhắc nhiều đến trên thị trường đất nền phía Bắc gần đây là TMS Group. Được giới thiệu là đơn vị có tiềm lực tài chính mạnh mẽ thu được từ lĩnh vực Giáo dục và Cung ứng nhân lực quốc tế, Công ty CP Tập đoàn TMS (TMS Group) đã và đang lấn sân qua đầu tư bất động sản.

Ngoài hàng loạt dự án BĐS nghỉ dưỡng tại Miền trung như Dự án TMS Luxury Hotel Da Nang Beach, Tổ hợp Đô thị – Nghỉ dưỡng – Thể thao biển TMS World Resort Mũi Né, Tổ hợp khách sạn và căn hộ du lịch 5 sao TMS Luxury Hotel & Residence Quy Nhon…tại Miền Bắc, doanh nghiệp này cũng đang triển khai Dự án TMS Grand City Phúc Yên có quy mô 18,5 ha tại phường Hùng Vương – thị xã Phúc Yên – tỉnh Vĩnh Phúc với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 1.500 tỷ đồng.

Được biết, TMS Grand City Phúc Yên là dự án đất nền có quy mô lớn nhất Phúc Yên này, TMS Group từng dính phải lùm xùm hồi tháng 5 khi rao bán khi chưa đủ các điều kiện pháp lý. Chưa hết, trong công tác giải phóng mặt bằng Công ty Cổ phần TMS Bất động sản cũng bị phản ánh khi tiến hành san gạt, đổ nền vào phần diện tích đất chưa thỏa thuận, đền bù với người dân.

Cũng tập trung đánh mạnh vào thị trường BĐS tỉnh lẻ, Apec Group (API)  là một tên tuổi khá nổi trên thị trường bất động sản hiện nay. Các dự án điển hình nhất API đang đóng vai trò chủ đầu tư bao gồm dự án Khu đô thị APEC Royal Park Huế, APEC Royal Park Bắc Ninh và APEC Đa Hội (Bắc Ninh), Khu dân cư số 5 Túc Duyên (Thái Nguyên), TTTM ngã ba Bắc Nam (Thái Nguyên)….

Theo tiết lộ của doanh nghiệp này, tới đây Apec Group còn phát triển hàng loạt dự án với quy mô nghìn tỷ tại nhiều tỉnh thành khác như Phú Yên, Hội An, Ninh Thuận, Hải Dương…để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khách hàng tỉnh lẻ.

Ngoài ra còn phải kể đến hàng loạt tên tuổi khác như Công ty Cổ phần Tập đoàn Bách Việt với dự án Khu đô thị phía Đông Bắc thành phố Bắc Giang quy mô 91 ha; Tập đoàn Tiến Bộ với dự án Green City tại thành phố Bắc Giang, dự án Dự án bất động sản khu chung cư Gang Thép Thái Nguyên; Tập đoàn Sao Mai với dự án Khu đô thị mới Sao Mai quy mô 51 ha tại Thanh Hóa…

Ngoài những tên tuổi mới kể trên, đất nền tỉnh lẻ khu vực phía Bắc cũng đang chứng kiến sự đầu tư mạnh mẽ từ hàng loạt các doanh nghiệp bất động sản lớn khác đang dồn về. Có thể kể đến như Tập đoàn T&T với dự án T&T Phố Nối (Hưng Yên), TNR cũng đang tiến quân vào Hưng Yên với dự án TNR Star Phố Nối Hưng Yên, Hòa Phát với dự án Hòa Phát Phố Nối, Him Lam với dự án Khu đô thị Him Lam Đại Phúc (Bắc Ninh)….

Giải thích nguyên nhân thời gian gần đây hàng loạt đại gia BĐS từ lĩnh vực khác đổ xô vào phân khúc đất nền các tỉnh phía Bắc, ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hội môi giới BĐS cho biết giá đất ở Hà Nội bị đẩy lên mức giá cao đã tạo xu hướng dịch chuyển sang các tỉnh, thành lân cận. Doanh nghiệp dễ phát triển dự án hơn vì nguồn vốn đầu tư không quá lớn”.

“Đất nền tại các tỉnh miền Bắc được quan tâm từ cuối năm 2016, song đến đầu năm 2018, thị trường thực sự phát triển mạnh mẽ. Tại một số tỉnh phía Bắc xuất hiện hiện tượng sốt đất như Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh…”, ông Đính cho biết thêm.

Cùng quan điểm với ông Đính, nhiều chuyên gia cũng cho rằng điểm đặc biệt là nhiều doanh nghiệp dù mới tham gia thị trường bất động sản nhưng lớn mạnh rất nhanh trong thời gian ngắn. Lý giải điều này, các chuyên gia cho biết không ít các doanh nghiệp đã thành công ở lĩnh vực cốt lõi khác và có đủ tiềm lực tài chính để tấn công sang lĩnh vực bất động sản. Tiếp đến, nhiều doanh nghiệp bất động sản lớn được hậu thuẫn bởi các nhà tài phiệt trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng.

“Cũng có doanh nghiệp đã âm thầm gom đất, đầu tư bất động sản từ lâu dưới các tên gọi công ty khác nhau nhưng đã thay đổi chiến lược theo hướng thống nhất một thương hiệu chung nên ngay lập tức có vài dự án cùng tên”, các chuyên gia nhấn mạnh.

Lan Nhi

Theo Trí thức trẻ

Tham gia thảo luận

So sánh tài sản

So sánh